Da giày vẫn vướng ở khâu nguyên phụ liệu

90% TRONG TỔNG DOANH THU XUẤT KHẨU DA GIÀY 2,8 TỶ USD NĂM 2004 BẮT NGUỒN TỪ GIA CÔNG CHO ĐỐI TÁC NƯỚC NGOÀI. TÌNH TRẠNG GIA CÔNG HÀNG CHẲNG NHỮNG ĐÃ LÀM BIẾN MẤT THƯƠNG HIỆU DA GIÀY VIỆT NAM TRÊN THƯƠNG TRƯỜNG QUỐC TẾ MÀ CÒN ẢNH HƯỞNG MẠNH ĐẾN NGÀNH SẢN XUẤT NGUYÊN PHỤ LIỆU DA GIÀY NỘI ĐỊA.

Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm là xu hướng của ngành da giày Việt Nam trước cơn lốc cạnh tranh với hàng giày da Trung Quốc.
 
Việt Nam là nước xuất khẩu giày dép lớn thứ 4 và là 1 trong 10 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới. Tuy nhiên theo nhận xét của giới kinh doanh da giày, trên thị trường thế giới không hề thấy bóng dáng một đôi giày mang nhãn hiệu Việt Nam. Một trong những nguyên nhân cơ bản, theo các doanh nghiệp là do ngành da giày Việt Nam hiện chỉ làm hàng gia công xuất khẩu chứ chưa trực tiếp xuất dưới thương hiệu của mình.
 
Ông Vũ Văn Chầm, Chủ tịch Hội da giày TP HCM nói vui mà chua chát: “Ngành da giày Việt Nam hiện đang bị xâm lăng bởi hàng ngoại, từ nguyên phụ liệu, mẫu mã cho đến giày thành phẩm”. Theo ông, ở nước ngoài, giày Việt phải mượn danh thương hiệu khác mới tồn tại được. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, cơn lốc giày dép Trung Quốc đang cuốn đi các cơ sở sản xuất nhỏ, kinh doanh theo phương thức tiểu thủ công và đặt ra những thách thức cho các doanh nghiệp da giày lớn.
 
4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu da giày Việt Nam đạt khoảng 882 triệu USD, mức tăng trưởng chỉ bằng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Hàng loạt khó khăn đang đặt ra cho giày Việt: xuất khẩu vào thị trường EU giảm 7,5% do khả năng bị EU cắt ưu đãi thuế quan khi kim ngạch xuất vượt quá 20%; hàng Trung Quốc đang lấn sân vào các thị trường chủ lực của giày Việt bằng giá thành và mẫu mã…
 
Giám đốc Công ty Tuấn Thành ở Đồng Nai, ông Đinh Ngọc Tuấn cho VnExpress biết, trong một đôi giày thành phẩm có 60-70% nguyên phụ liệu là được nhập từ nước ngoài. Còn ông Lê Quang Doãn, giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Minh Diệu, đơn vị chuyên kinh doanh hàng nguyên phụ liệu cho ngành da giày thì nói: “Một số loại nguyên phụ liệu da giày sản xuất trong nước đắt hơn nhập từ nước ngoài, ví dụ như da thuộc, chất lượng cũng kém hơn hàng ngoại nên nhập là giải pháp tốt nhất”.
 
Theo giới kinh doanh da giày, 3 loại nguyên liệu chủ yếu để sản xuất da giày là chất liệu da và giả da; đế; các nguyên liệu phụ trợ như keo dán, chỉ khâu, cúc, nhãn hiệu, gót… thì đến 70-80% là nhập khẩu từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Riêng đế giày, khâu nguyên phụ liệu được các doanh nghiệp Việt Nam chủ động tốt nhất, cũng chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu sản xuất của ngành nói chung. Chất liệu giả da, đặc biệt được sử dụng nhiều cho giày thể thao, mặc dù chiếm tỷ trọng xuất khẩu gần bằng 50% giá trị da giày xuất khẩu nói chung, cũng sử dụng đến 80% nguyên liệu nhập ngoại.
 
Chỉ riêng về da, Việt Nam có sẵn nguồn nguyên liệu từ việc chăn nuôi bò, heo. Tuy nhiên tập quán chăn nuôi thiếu tập trung và chưa áp dụng triệt để những kỹ thuật chăm sóc gia súc của người chăn nuôi nhỏ khiến da nguyên liệu thu được thường không đẹp, chất lượng thấp, buộc nhà sản xuất phải tốn thêm nhiều chi phí để xử lý da thuộc. “Nếu cộng tất cả các khoản chi phí đầu tư máy móc, thiết bị kỹ thuật cũng như công sức lao động… thì giá thành da thuộc trong nước cao hơn giá da ngoại”, ông Doãn nói. Do đó muốn nâng chất lượng da thuộc thì đầu tiên cần phải quy hoạch vùng nuôi gia súc lấy da và có chiến lược phát triển, đầu tư vào công nghệ thuộc và xử lý da. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngành da giày cho rằng, muốn làm được việc này phải có sự phối hợp của nhiều ngành, đặc biệt là công – nông nghiệp.
 
Cũng như nhiều ngành nghề khác, ngành da giày đang phải chịu áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng 30-40% so với năm 2004, nhưng vẫn phải gồng mình chịu đựng chứ không thể tăng giá đầu ra được. “Thậm chí có đơn hàng chúng tôi phải giảm giá chào mới cạnh tranh nổi với đối thủ Trung Quốc”, ông Nguyễn Văn Độ, chủ cơ sở giày dép da Hoàng Diệu cho biết. Các doanh nghiệp ngành da cho rằng, nếu giải quyết được vấn đề nguyên vật liệu trong nước thì khả năng cạnh tranh của giày da Việt sẽ cao hơn rất nhiều. “Nếu hoàn thành quy trình sản xuất khép kín trong nước, từ khâu nguyên phụ liệu đến thiết kế, sản xuất, kinh doanh thì đảm bảo giày Việt sẽ tự tin xuất khẩu bằng thương hiệu của mình”, ông Đinh Ngọc Tuấn quả quyết. Đây cũng là kinh nghiệm mà giới kinh doanh da giày Việt Nam học được từ Trung Quốc.
 
Nhìn xa hơn 5, 10 năm nữa, nếu vẫn chỉ gia công và nhập nguyên phụ liệu như hiện nay thì rất khó để ngành da giày khẳng định thế đứng là một ngành xuất khẩu chủ lực. “Về lâu dài nếu không có giải pháp ở tầm vĩ mô để quy hoạch lại ngành da giày thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp tồn tại”, ông Lê Quang Doãn nói. Cũng theo ông này, nếu 10 năm trước Việt Nam có một nhà máy lọc dầu thì bây giờ ngành da giày được “nhờ” rất nhiều vào nguồn nguyên liệu hóa chất, dung môi xử lý, hóa dầu… cung cấp từ nhà máy này.  
 
Theo đề xuất của các doanh nghiệp giày da, trước mắt Chính phủ cần xem xét lại quy định miễn thuế nhập khẩu cho các nguyên phụ liệu tạm nhập tái xuất, vốn đã làm khó cho nguyên phụ liệu trong nước về đầu tư và cạnh tranh giá thành, vì một phần lớn nguyên phụ liệu tạm nhập đã được tuồn ra ngoài thị trường. Đó cũng là rào cản khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu Việt Nam đã phải chuyển hướng đầu tư sang Trung Quốc.

 CÔNG TY TNHH XIONG LIN ( VIỆT NAM) 雄林(越南)责任有限公司

Hotline 02513787140

Địa chỉ: Đường D1, KCN Suối Tre, Xã Bảo Vinh, Thị xã Long khánh, Tỉnh Đồng Nai

Bản đồ chỉ đường: Xem bản đồ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *